Radiovietnam - Những “siêu bão” liên tiếp đổ vào miền Trung thời gian
qua khiến mảnh đất nghèo khó này dồn dập hứng chịu đau thương.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Đất
nước mình hình chữ S với một phần bề cong chữ S vươn ra biển khơi mang
lại cơ man cơ hội làm giàu với những bãi biển mênh mông cát, nắng và
gió, với những thắng cảnh du lịch say đắm lòng người cùng những cầu cảng
cho tàu bè hàng hóa vươn khơi, cho bà con ngư dân dong buồm mang về tôm
cá. Nhưng bề cong chữ S - nơi khúc ruột miền Trung vươn ra biển lại
cũng chính là nơi đầu sóng ngọn gió hứng chịu biết bao thiên tai bão
lũ.
Từ
những cơn bão mang số đếm thứ tự lạnh lùng cho đến những cơn bão được
gọi bằng những tên mĩ miều do xuất xứ của bão cứ năm này qua năm khác lừ
lừ, lừng lững từ xa đổ gần vào dải đất vốn đã quanh năm vất vả gánh
trĩu hai đầu đất nước. Trong và sau bão là đau thương, mất mát về người,
là thiệt hại về vật chất, cảnh quan. Bão đổ vào, tàn phá, giằng giật đi
từng tấm mái tôn, bức tường, dâng lũ ngút ngàn, cuốn phăng mùa màng,
gia súc...
Đau đáu những tấm lòng hướng về miền Trung. (Ảnh: K.T)
Chỉ
riêng cơn bão số 11 đã làm miền Trung mất 26 người con và thiệt hại hơn
3.400 tỷ đồng. Riêng với Quảng Bình vừa trải qua sự tàn phá của cơn bão
số 10, đau thương còn chưa kịp nguôi ngoai thì cơn bão số 11 tiếp tục
đổ vào... Thêm 12 người vĩnh viễn ra đi, lại hàng ngàn mái nhà trống
hoác, hàng chục nghìn ngôi nhà ngập trong nước, hàng chục nghìn con vật
nuôi bị lũ cuốn trôi, vài chục nghìn héc-ta lương thực và hoa màu mất
trắng. Thiệt hại mà cơn bão số 11 gây ra cho Quảng Bình lên đến 430 tỷ
đồng. Những con số chứa đầy đau thương. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên
dường như càng ngày càng nghiệt ngã hơn mà một phần rất lớn là do chính
sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên.
Với
sự sẻ chia thơm thảo, rất nhiều đoàn cứu trợ đã hướng về miền Trung, về
các tỉnh bị thiệt hại lớn. Mỗi địa phương trong cả nước, mỗi tổ chức
đoàn thể, xã hội, mỗi doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp - mỗi nơi
bằng những hình thức khác nhau chuyển hàng cứu trợ về miền Trung. Đâu
đâu cũng đau đáu những tấm lòng hướng về Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,
Quảng Trị... nơi những con người trong khó khăn, bão tố, đang chắt chiu
lo toan vượt lên, bươn trải để khôi phục sau bão.
Người
Việt mình bao đời nay có truyền thống nhường cơm sẻ áo, bầu bí chung
giàn, nay trong lúc khó khăn, dù chung dù riêng vẫn lá lành đùm lá rách,
sự hỗ trợ của các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và những cá nhân đã
ghé vai kịp thời chia sẻ một phần gánh nặng lo toan.
Thật
cảm động có những chuyến xe đầy ắp hàng cứu trợ chỉ một lái xe và một
người áp tải băng qua những chặng đường bão lũ, giao hàng đến tận tay
mỗi gia đình khó khăn.
Những
tấm lòng như thế vẫn đang hướng về miền Trung, những chuyến hàng, những
toa tàu chất đầy gạo, mì, quần áo, chăn màn, võng, bạt, thuốc men, nước
uống... vẫn lăn bánh về miền Trung cứu trợ khẩn cấp những ngày sau bão.
Rất nhiều chính sách, giải pháp và sự hỗ trợ trực tiếp của các ban
ngành, đoàn thể và người dân cả nước đã và đang được tập trung cho miền
Trung trong nỗ lực khôi khục cuộc sống bình thường sau bão. Bà con miền
Trung đang gom nhặt, sửa chữa, dựng lại cửa nhà, trường lớp, khôi phục
ruộng vườn, nhân lại đàn gia súc gia cầm. Cho dù nhiều mái nhà đã và
đang được gia cố trở lại, trường học đã được dọn quang, trẻ em lại đến
trường. Nhưng trong số các em trở lại lớp hôm nay, có em còn đi chân
đất, có em chưa đủ bữa sáng, có cả những em không còn cha hay mẹ nữa.
Vậy
mà đâu đó vẫn có những câu chuyện không vui. Ấy là những chuyến cứu trợ
mang tính chất bề nổi, làm theo kiểu trống dong cờ mở, khoa trương...
Rồi cả đâu đó những lô hàng xấu xí, kém chất lượng, những chiếc áo hôi
bẩn, cũ nát. May thay, những hiện tượng ấy chỉ là hãn hữu.
Giờ này, những cơn bão dữ vẫn đang đe dọa, rình rập đổ về miền Trung ruột thịt - nơi phần chữ S vươn biển lại gồng mình chờ bão!
0 Responses So Far: